Ngày 18/05/1988, Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện đã ra quyết định số 1252/TCCB-LĐ thành lập “Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng tại chức Giao thông vận tải tại thành phố Hồ Chí Minh” và sau đó chuyển đổi thành “Trung tâm đại học Hàng hải phía Nam” (quyết định số 968/TCCB-LĐ ngày 14/01/1989).
Trong năm học đầu tiên 1988 -1989, với 20 cán bộ, giảng viên, Trung tâm đã tuyển được 253 sinh viên các ngành Điều khiển tàu biển, Khai thác Máy tàu thủy, Điện tàu thủy, Kinh tế vận tải biển, Cơ giới hóa xếp dỡ, Xây dựng công trình thủy, Sửa chữa máy tàu biển, Đóng tàu thủy cho các hệ chính quy, ngắn hạn, tại chức. Việc khai giảng khóa đào tạo chính quy đầu tiên trên đã đặt cột mốc quan trọng cho quá trình hình thành và phát triển Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM.
Ngày 20/08/1991, Bộ Giao thông vận tải có quyết định số 1665 QĐ/TCCB-LĐ chuyển đổi tổ chức và hoạt động của Trung tâm đại học Hàng hải phía Nam thành Phân hiệu Đại học Hàng hải trực thuộc trường Đại học Hàng hải.
![]() |
Hình ảnh chào cờ đầu tuần của sinh viên khi Nhà trường còn là phân hiệu Đại học Hàng hải |
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước, nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng và phát triển các chuyên ngành vận tải đường biển, đường sông, đường bộ, đường sắt, hàng không của các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế thành phố Hồ Chí Minh – Biên Hòa – Vũng Tàu – Cần Thơ và Tây Nguyên, Nam Trung bộ đòi hỏi cần có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý ngành giao thông vận tải đủ trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó Phân hiệu Đại học Hàng hải sau 10 năm xây dựng đã trở thành cơ sở đào tạo chính quy, hoạt động tương đối độc lập về tổ chức và tài chính, có đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý nhiều kinh nghiệm, cơ sở vật chất và nghiên cứu khoa học, quan hệ trong nước và quốc tế rộng rãi.
Sau thẩm định của các cơ quan chức năng, ngày 26/04/2001, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 66/2001/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM trực thuộc Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở Phân hiệu Đại học hàng hải.
![]() |
Lễ khai giảng năm học 2001-2002 |
Từ năm 2001 đến nay, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên. Nhà trường chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đổi mới cơ sở vật chất, giáo trình và cải tiến phương pháp giảng dạy. Trường vận động các tổ chức cấp nhiều học bổng cho sinh viên, nhiều dự án trang bị phòng thí nghiệm và nghiên cứu có giá trị lớn.
Hơn 30 năm đã trôi qua, nhiều thế hệ sinh viên ra trường, mang tài năng, sức lực và kiến thức đã học được cống hiến cho đất nước. Nhiều thế hệ cán bộ, công chức, giảng viên, nhân viên đã gắn bó đời mình với ngôi trường này, chứng kiến bao đổi thay, bao niềm vui và những nỗi lo toan.
![]() |
Nhà trường đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành GTVT trong hơn 30 năm qua |
Cùng với niềm tin và khát vọng mới, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã hoạch định chiến lược phát triển đến năm 2030 và quyết tâm thực hiện: hình thành đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành có năng lực để triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc các dự án, các chương trình quốc gia, hợp tác quốc tế thuộc lĩnh vực giao thông vận tải và các ngành khác ; Chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực đường sắt, giao thông đô thị (monorail, metro, mạng xe điện mặt đất…), quy hoạch và quản lý giao thông đô thị, vận tải logistics trên cơ sở công nghệ hiện đại của thế giới để sớm đưa Trường thực sự trở thành trung tâm khoa học và công nghệ của ngành giao thông vận tải phía Nam; Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho một mạng giao thông vận tải đa phương thức nối kết đô thị, khu vực và quốc tế thông suốt, đồng bộ và hiệu quả ; Đầu tư hình thành các phòng thí nghiệm cơ bản và các phòng thí nghiệm chuyên ngành với các thiết bị hiện đại có thể thực hiện các thí nghiệm, kiểm định trong nghiên cứu, kiểm tra thử nghiệm các công trình; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp cận khoa học, công nghệ mới tiên tiến của thế giới ; Nghiên cứu và áp dụng phương pháp quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo theo tín chỉ, cải tiến nội dung các môn học theo xu thế tăng cường thực hành, giảm bớt lý thuyết; Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển, gắn chặt với các dịch vụ công nghệ như phòng chống ô nhiễm toàn cầu, cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn, công trình nổi, bảo vệ bờ biển, hải đảo,…
Nhìn lại những việc đã làm, những thành tích đã đạt được trong cả chặng đường vừa qua, với phương châm “chủ động, sáng tạo, tập trung trí tuệ của toàn thể giảng viên cán bộ công nhân viên nhà trường”, chúng ta tin tưởng rằng Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh sẽ vững vàng bước tiếp vào giai đoạn phát triển mới, tận dụng được các cơ hội, đương đầu được với các thách thức của thời kỳ hội nhập, sẽ hoàn thành các sứ mệnh được giao, vươn tới vị thế của một trường đại học trọng điểm đa ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải trong nước và khu vực.
I. HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO
Quy mô đào tạo hiện nay: trên 21.000 sinh viên, học viên cho các trình độ và hình thức đào tạo.
Hình thức đào tạo: chính quy, vừa làm vừa học, liên thông, văn bằng 2; với các trình độ đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài; các khóa cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, huấn luyện nghiệp vụ theo quy định.
1. Đào tạo trình độ Tiến sỹ
Gồm các ngành: Kỹ thuật cơ khí động lực, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Tổ chức và quản lý vận tải, Quản lý xây dựng, Khoa học hàng hải.
2. Đào tạo trình độ Thạc sỹ
Gồm các ngành:
– Kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật cơ khí động lực, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Khoa học máy tính, Khoa học hàng hải, Quản lý xây dựng, Tổ chức và quản lý vận tải.
– Thạc sĩ Logistics (chương trình Liên kết đào tạo cấp song bằng với ĐH Tongmyong Hàn Quốc, học hoàn toàn tại Việt Nam)
3. Đào tạo trình độ đại học
3.1 Đại học chính quy
Gồm các ngành: Công nghệ thông tin; Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật tàu thuỷ; Kỹ thuật ô tô; Kỹ thuật điện; Kỹ thuật điện tử – viễn thông; Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá; Kỹ thuật môi trường; Kỹ thuật xây dựng; Kỹ thuật xây dựng công trình thuỷ; Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; Kinh tế xây dựng; Khai thác vận tải; Kinh tế vận tải; Khoa học hàng hải, Ngôn ngữ Anh…
3.2. Đại học chương trình liên kết đào tạo nước ngoài
– Quản lý Cảng và Logistics (chương trình liên kết đào tạo với trường Đại học Tongmyong, Hàn Quốc); Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (chương trình liên kết đào tạo với trường Đại học Quốc gia Hàng hải và Hải dương Hàn Quốc); Công nghệ thông tin (chương trình liên kết đào tạo với Đại học Tongmyong Hàn Quốc); Công nghệ thông tin (chương trình liên kết đào tạo với Đại học Đại học Australian Catholic University, Úc)
3.3 Đại học vừa làm vừa học
Gồm các ngành: Công nghệ thông tin; Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật điện; Kỹ thuật xây dựng; Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; Kinh tế xây dựng; Kinh tế vận tải; Khoa học hàng hải.
II. HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Công tác nghiên cứu khoa học đã được nhà trường quan tâm và đầu tư đúng mức. Nhà trường tổ chức thực hiện các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác liên doanh liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện các dự án khoa học nhằm ứng dụng công nghệ mới.
Chính vì thế phong trào nghiên cứu khoa học của trường ngày càng khởi sắc, số lượng đề tài ngày một tăng. Nhiều hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức tại trường tạo cơ hội cho cán bộ giáo viên trong toàn trường có cơ hội tiếp cận cọ xát với công nghệ hiện đại tiên tiến, các thành tựu của thế giới và đặt nền móng cho những công trình nghiên cứu của họ sau này. Nhiều đề tài, đề án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp Bộ đã được nghiệm thu và ứng dụng vào thực tế.
Phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên cũng có nhiều kết quả đáng khích lệ. Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo sinh viên giao thông vận tải” đã trở thành cuộc thi truyền thống hàng năm và thu hút nhiều đề tài, ý tưởng sáng tạo. Ngoài ra, sinh viên trường đạt nhiều giải thưởng tay nghề ASEAN, các giải Eureka của thành phố Hồ Chí Minh, giải Vifotec cấp Quốc gia, các giải thưởng trong kỳ thi Olympic Quốc gia.
III. HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ
Luôn chủ động đẩy mạnh hoạt động đối ngoại với các đối tác nước ngoài, Trường coi hoạt động hợp tác quốc tế là chìa khóa thu hút nguồn vốn cho hoạt động đào tạo, chuyển giao và đổi mới công nghệ.
Ngoài những dự án đã và đang được triển khai thành công, Trường đã có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhiều trường, viện quốc tế như các trường đại học Vương quốc Anh, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, đại học Hàng hải Hà Lan, Úc; Đại học cầu đường Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc và các tổ chức phi chính phủ khác…
Trường Đại học Giao thông vận tải TP. HCM là thành viên của các tổ chức sau:
– Thành viên Hiệp hội các Trường Đào tạo và Huấn luyện Hàng hải khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (AMETIAP), nay là Hiệp hội Đào tạo và Huấn luyện Hàng hải toàn cầu (GlobalMET);
– Thành viên Hiệp hội quốc tế các Trường Đại học Hàng hải (IAMU);
– Thành viên Hiệp hội quốc tế các trường Đại học (IAU);
– Thành viên Diễn đàn các trường Đại học Hàng hải và Nghề cá Châu Á (AMFUF);
– Thành viên Diễn đàn Hiệu trưởng các trường Đại học Châu Á (AUPF)
IV. HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO
Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM sớm xác định một trong những công tác trọng tâm của giáo dục- đào tạo là công tác Đảm bảo chất lượng và Kiểm định chất lượng. Ngày 27/3/2017, Trường được Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TP.HCM) đánh giá và trao chứng nhận đạt chuẩn chất lượng cấp cơ sở giáo dục.
Từ tháng 10/2019, Nhà trường chính thức trở thành thành viên liên kết của mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á (ASEAN University Network – Quality Assurance viết tắt là AUN-QA). Nhiều chương trình đào tạo của Trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Ngày 12/9/2022, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM (UTH) tiếp tục được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQG-HCM cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học chu kỳ 2 theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng được ban hành kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ GDĐT.
Đại diện Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trao giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng CSGD chu kỳ 2 cho Trường
V. THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU:
* Danh hiệu thi đua
Năm |
Danh hiệu thi đua |
Số, ngày tháng, năm, cơ quan ban hành |
2005 |
Cờ thi đua Chính phủ | Quyết định số 1312/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ |
2006 |
Cờ thi đua Chính phủ | Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày 16 tháng 03 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ |
2007 |
Cờ thi đua xuất sắc – Bộ GTVT | Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 04 tháng 01 năm 2008 |
2008 |
Cờ thi đua xuất sắc – Bộ GTVT | Quyết định số 55/QĐ-BGTVT ngày 08 tháng 01 năm 2009 |
2009 |
Cờ thi đua xuất sắc – Bộ GTVT | Quyết định số 55/QĐ-BGTVT ngày 09 tháng 01 năm 2010 |
2010 |
Cờ thi đua Chính phủ | Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ |
2011 |
Cờ thi đua Chính phủ | Quyết định số 42/QĐ-TTg ngày 06 tháng 1 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ |
2012 |
Cờ thi đua xuất sắc – Bộ GTVT | Quyết định số 80/QĐ-BGTVT ngày 06 tháng 12 năm 2012 |
2013 |
Cờ thi đua xuất sắc – Bộ GTVT | Quyết định số 31/QĐ-BGTVT ngày 06/01/2014 |
* Hình thức khen thưởng
Năm |
Danh hiệu thi đua |
Số, ngày tháng, năm, cơ quan ban hành |
1992 |
Bằng khen của Bộ Giao thông vận tải | Quyết định số 22603/QĐ-BGTVT |
1994 |
Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo | Quyết định số 3459/QĐKT ngày 23 tháng 11 năm 1994 |
2004 |
Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam | Quyết định số 1684/QĐ-TLĐ ngày 29 tháng 9 năm 2004 |
2004 |
Bằng khen của Ủy ban Nhân dân TP.HCM | Quyết định số 1211/QĐUB ngày 22 tháng 3 năm 2004 |
2006 |
Bằng khen của Bộ Giao thông vận tải | Quyết định số 4127/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 12 năm 2007 |
2006 |
Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam | Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ngày 16 tháng 10 năm 2006 |
2007 |
Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS TP.HCM | Quyết định số 673/QĐ-TƯĐTN ngày 04 tháng 9 năm 2007 |
2007 |
Bằng khen của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam | Quyết định số 16/QĐ-TU7HSV ngày 25 tháng 6 năm 2007 |
2009 |
Huân chương Lao động hạng Nhất | Quyết định số 427/QĐ-CTN ngày 20 tháng 03 năm 2009 |
2011 |
Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo về công tác pháp chế | Quyết định số 5249/QĐ-BGDĐT ngày 24 tháng 10 năm 2011 |
2012 |
Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam | Quyết định số 1349/QĐ-TLĐ ngày 9 tháng 10 năm 2012 |
2013 |
Huân chương độc lập hạng III | Quyết định số 883/QĐ-CTN ngày 15/5/2013 |
2015 | Cờ thi đua xuất sắc | Quyết định số 4590/Qđ-BGTVT ngày 28/12/2015 |
2016 | Tập thể lao động xuất sắc | Quyết định 1319/QĐ-BGTVT ngày 8/5/2017 |
2018 | Cờ truyền thống của UBND thành phố HCM | Quyết định số 1708/QĐ-UBND ngày 26/4/2018 |
2018 | Cờ truyền thống của liên đoàn lao động TP.HCM | Quyết định số 96/QĐKT-LĐLĐ ngày 10/5/2018 |
2018 | Bức trướng của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho công đoàn trường | Quyết định số 917/QĐ-TLĐ ngày 09/05/2018 |